Huyết áp cao thường xuất hiện ở các bệnh nhân lớn tuổi, suy thận, đái tháo đường, ăn nhiều mỡ, đường, ăn mặn, béo phì, di truyền,... Huyết áp cao có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Do đó, nhiều người luôn thắc mắc “Huyết áp cao tiêm vacxin được không?” và làm cách nào để ổn định huyết áp khi tiêm vacxin.
Những phản ứng sau khi tiêm vacxin
Sau khi tiêm vacxin, chúng ta có thể gặp một số triệu chứng khó chịu. Tình trạng này là do hệ miễn dịch đang phản ứng với vacxin để tạo ra kháng thể chống lại virus gây bệnh. Vì vậy, bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau khi tiêm vacxin sau đây:
- Phản ứng tại chỗ sau tiêm: Hầu hết mọi người sẽ có phản ứng ngay sau tiêm với các dấu hiệu như đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.
- Phản ứng phản vệ: Triệu chứng xuất hiện trong 30 phút đầu tiên sau khi tiêm. Phản ứng phụ này khá nguy hiểm vì có thể gây tử vong hoặc gây biến chứng nặng. Các biểu hiện bao gồm: Ban đỏ từng điểm hoặc đám, khó thở, đau quặn bụng, phù mí mắt, phù mặt, thở rít, tăng/giảm huyết áp, mất ý thức, ngừng tim,...

Dấu hiệu của tăng huyết áp là gì?
Các triệu chứng cao huyết áp thường gặp như mệt mỏi, tim đập nhanh, nhức đầu, hồi hộp, tay chân đổ mồ hôi, khó ngủ,... Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể liên quan đến tăng huyết áp như đốm máu trong mắt, đỏ bừng mặt và chóng mặt.
Người bệnh thường chỉ biết mình bị cao huyết áp khi tình cờ khám chữa bệnh khác. Do đó, bạn cần thường xuyên kiểm tra huyết áp của mình tại nhà nếu được chẩn đoán huyết áp cao. Mỗi ngày nên đo huyết áp vào buổi sáng và buổi chiều, ở tư thế nằm và sau khi nghỉ ngơi 15 phút để có kết quả đúng nhất.
Các biến chứng của huyết áp cao
Trong y khoa, người ta gọi huyết áp cao là "sát nhân thầm lặng". Bởi vì huyết áp cao có thể gây ra biến chứng gây tử vong đột ngột. Biến chứng thường gặp nhất là gây đột tử do nhồi máu cơ tim cấp và gây đột quỵ do tai biến mạch máu não. Vì vậy, rất nhiều người lo lắng rằng huyết áp cao có tiêm vacxin được hay không vì lo ngại các biến chứng nguy hiểm trên.

Người bị huyết áp cao có tiêm vacxin được không?
Huyết áp cao khiến cho quá trình theo dõi sau tiêm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các biến chứng của huyết áp cao rất khó lường. Vì vậy, bệnh nhân đã được điều trị nhưng huyết áp vẫn cao nên tiêm vacxin tại cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị và bác sĩ để kịp thời theo dõi xử lý.
Hiện tại, chúng ta chưa có chống chỉ định tiêm vacxin cho các bệnh nhân cao huyết áp. Tuy nhiên, huyết áp trước khi tiêm an toàn nên nằm trong khoảng 90 - 140mmHg đối với huyết áp tâm thu và khoảng 60 - 90mmHg đối với huyết áp tâm trương.
Người bị huyết áp cao mãn tính vẫn có thể tiêm vacxin. Trước và sau khi tiêm bệnh nhân cần phải duy trì uống thuốc huyết áp. Bệnh nhân sẽ được tiêm vacxin nếu huyết áp trở về mức ổn định.

Tại sao thường bị tăng huyết áp trước khi tiêm vacxin?
Việc tăng huyết áp khi tiêm vacxin có thể bắt nguồn từ vấn đề tâm lý. Các chuyên gia gọi đây là "hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng". Hội chứng này xuất hiện khi bệnh nhân cảm thấy hồi hộp, lo lắng mỗi khi nhìn thấy bác sĩ hoặc những người mặc áo blouse trắng. Tuy nhiên, huyết áp sẽ về mức bình thường khi bệnh nhân về nhà.
Cần làm gì để ổn định huyết áp khi tiêm vacxin?
Những người bị "hội chứng áo choàng trắng" cần phải ổn định tâm lý trước khi tiêm. Sau đây là một số cách giúp bạn kiểm soát huyết áp tốt hơn:
- Làm chủ tâm lý, suy nghĩ tích cực về việc tiêm vacxin;
- Trong ngày đi tiêm, không uống cà phê, nước trà,...;
- Không thức khuya vào đêm hôm trước;
- Không nên sử dụng các loại thuốc an thần để giảm lo lắng trước khi tiêm.

Sau khi tiêm vacxin cần làm gì?
Để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến các phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm, bệnh nhân nên lưu ý các vấn đề sau đây:
- Hạn chế uống rượu bia trong 3 ngày sau khi tiêm;
- Giữ gìn sức khỏe, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ chất;
- Ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm để hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.